: TVO 24H: 2019-09-03 14:51:58

Lượt xem: 22156

Cựu binh Đào Ngọc Cát “ngón đàn bầu” tài hoa hơn người. 

Chỉ một khổ thơ ngắn của nhà thơ Hoàng Trang, cũng đã để lại cho người đọc một ấn tượng sâu sắc về cây đàn bầu một dây (độc huyền cầm) này. Tiếng đàn thánh thót, hiền hòa mà sâu lắng là biểu tượng đặc trưng cho người dân Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó suốt bao nhiêu thế kỷ qua.

Ôi! Đàn bầu quê tôi! Đàn bầu quê tôi!
Nửa bầu mà rót hoài không cạn
Một dây thôi – nói biết bao lời
Cung thương tha thiết chơi vơi
Cung trầm sâu lắng…rạng ngời tình quê.

Đàn bầu thể hiện một cách thành công những làn điệu dân ca khác nhau của từng vùng, từng miền của dân tộc. Nó còn có thể diễn tấu rất hay những giai điệu của nước ngoài, từ nhạc dân gian đến nhạc nhẹ.

Chính vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn bầu mà mỗi khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người nước ngoài luôn coi cây Đàn Bầu là biểu tượng của Việt Nam "Đất nước Đàn Bầu". "Quê hương Đàn Bầu". Hay một nhà thơ người Pháp MeRay đã thốt lên: "Cây Đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh tao, đơn sơ mà phong phú".

Độc tấu bài Vì Miền Nam 

Về phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp nơi Ông Đào Ngọc Cát, hiện đang sống hỏi ai cũng biết đến ông là người có “ngón đàn bầu” tài hoa hơn người. 

Cựu binh Đào Ngọc Cát với ngón đàn bầu trứ danh

Thực ra không phải tự nhiên ông Cát có được ngón đàn bầu trứ danh. Nguyên do là vì cụ thân sinh ra ông Cát vốn là một người yêu cổ nhạc, lúc sinh thời mưu sinh bằng việc đánh đàn cho các đám hát văn, hầu đồng. Ngón đàn của cụ thiện nghệ đến độ khắp cả vùng Hưng Yên ai ai cũng biết. Ông Cát sinh ra đã mang trong mình cái “gen âm nhạc” của cha, cộng thêm với việc hàng ngày sống với tiếng đàn, điệu hát nên theo lẽ tự nhiên ông trở thành người rất yêu văn nghệ. Khi vào môi trường quân ngũ, ông Cát được gửi đi học lớp cơ yếu với nhiệm vụ đảm nhiệm công tác thông tin, liên lạc cho đơn vị. Đời lính tuy vất vả nhưng không làm nguôi đi bản tính lãng tử của một chàng trai. Và sau những giờ lăn lộn với thao trường, chàng lính trẻ Đào Ngọc Cát lại tìm kiếm những vật liệu, hì hục chế tác ra một cây đàn bầu, lúc rảnh rỗi lại mang ra nhấn nhá. Cây đàn bầu tuy thô sơ nhưng ngón đàn của người lính trẻ Đào Ngọc Cát thì ngọt ngào, trau chuốt và da diết vô cùng. Ông Cát sinh năm 1952, quê gốc Hưng Yên, có thời gian dài gắn bó với quân ngũ và từng là Phó đoàn nghệ thuật của Quân đoàn I. Năm 1983, ông Cát chuyển ngành về làm công tác thi đua tại Xí nghiệp vật liệu giao thông II (Bộ Giao thông vận tải).

Độc tấu bài Lời ca dâng Bác

Những bản đàn của ông Cát khiến các đồng đội từ binh sỹ tới sỹ quan mê như điếu đổ. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ bộ đội ta còn sinh hoạt thiếu thốn, không có nhiều những phương tiện giải trí như hiện nay thì ngón đàn của ông Cát thành món ăn tinh thần thường xuyên của những người lính. Các cấp chỉ huy đơn vị thấy ông Cát có năng khiếu âm nhạc bèn giao cho ông đảm trách công tác văn nghệ của đơn vị. Cũng từ đấy, bất kỳ hội diễn văn nghệ nào của đơn vị ông Cát cũng được chỉ định tham gia. Để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ, ông Cát còn được cơ quan gửi đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về âm nhạc tại một số trường như: Trường âm nhạc quốc gia (nay là Nhạc viện Hà Nội), Trường trung học nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa)... Liên tiếp trong hai năm 1973 và 1974, chiến sỹ Đào Ngọc Cát trong thành phần đoàn nghệ thuật Quân đoàn I tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quân đã giành huy chương Bạc (1973), huy chương Vàng (1974) với tiết mục độc tấu đàn bầu.

Làm công tác văn nghệ trong quân đội một thời gian dài, mãi tới năm 1983, ông Cát chuyển ngành sang dân sự. Dù làm việc tại một đơn vị sản xuất, kinh doanh, song với ngón đàn trứ danh của mình, ông Cát vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng, các hội diễn. Có một thời gian dài, câu lạc bộ nghệ thuật thị xã Tam Điệp (trước kia) do ông Cát tham gia đã hoạt động khá sôi nổi, trở thành cái tên rất được chú ý trên phạm vi cả tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Là một cựu chiến binh, ông Cát tham gia tích cực vào phong trào nghệ thuật quần chúng tại địa phương và giành nhiều thành tích: huy chương Vàng độc tấu đàn bầu tiết mục “Vì miền Nam” tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2011; Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu “Trông cây lại nhớ tới Người” tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Ninh Bình năm 2014...

Cựu binh Đào Ngọc Cát cùng các thành viên đội văn nghệ quần chúng Tam Điệp.

Đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng do niềm yêu thích với bộ môn độc huyền cầm nên ông Cát thi thoảng vẫn nhận lời mời giao lưu với nhiều danh cầm, đệm đàn cho các hội thơ, các hội hát Văn hay luyện thi cho nhiều thí sinh thi vào Nhạc viện Hà Nội ngành âm nhạc cổ truyền...Tâm nguyện của người cựu binh Đào Ngọc Cát là muốn truyền ngón đàn trứ danh của mình cùng ngọn lửa đam mê cổ nhạc cho những người trẻ tuổi như một cách để gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền quý báu của dân tộc.

Cherry Phạm - TVO

Bình luận