: TVO 24H: 2020-10-06 23:37:54

Lượt xem: 2644

Mất công ty giày với doanh thu 2 tỷ/tháng, 9X Quảng Ngãi làm giàu với lĩnh vực nông nghiệp

Từng suy sụp khi mất công ty kinh doanh giày, dép với doanh thu 2 tỷ đồng/tháng, sau 3 năm tiến vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, anh Nguyễn Anh Võ đang không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác.

Anh Nguyễn Anh Võ sinh năm 1991 tại Quảng Ngãi chia sẻ, sinh ra ở một vùng quê nghèo nên ngay từ nhỏ đã sớm đặt mục tiêu sau này có thể đi theo con đường kinh doanh để thoát nghèo. Do đó, từ khi học năm thứ 2 khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Võ đã quyết định bỏ học để bước vào con đường khởi nghiệp bằng việc thành lập công ty riêng chuyên kinh doanh giày, dép.

Anh Nguyễn Anh Võ cho biết trải qua nhiều khó khăn trước khi thành công với lĩnh vực trồng nấm chất lượng cao

Bỏ học để theo đuổi việc kinh doanh, lại đúng thời điểm tiếp cận được quảng cáo Facebook nên công ty của anh lên như diều gặp gió và trở thành thương hiệu giày, dép đình đám thời bấy giờ. Năm 23 tuổi, Nguyễn Anh Võ đã có công ty riêng với 40 nhân viên, doanh thu mỗi tháng lên tới 2 tỷ đồng, lợi nhuận 10-12%. Công ty giày, dép của anh thậm chí đã được một quỹ đầu tư rót vốn, do đó chỉ trong thời gian ngắn hàng loạt shop giày được mở thêm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Nhưng vì mở rộng quá nhanh, quản lý không tốt, kiến thức không đủ... đã kéo công ty của anh sập. Từng suy nghĩ có thể nghỉ hưu trước tuổi 30, nhưng thất bại này đã khiến chàng trai trẻ nhận cú sốc lớn.

Chia sẻ về thất bại đầu đời, anh Võ cho biết: “Thành công đến sớm cũng chính là tiền đề cho một thất bại, một cái giá phải trả quá đắt”. Theo anh, thành công đến sớm khi nội lực bản thân "chưa thâm hậu" sẽ dễ thất bại.

Tháng 4/2017, anh bỏ lại tất cả những thất bại của mình trong quá khứ để bước chân vào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ban đầu anh tìm tới hợp tác cùng một người bạn để làm nấm. Tại đây, anh bắt đầu làm những công việc nhỏ nhất từ trộn mùn, vào bịch phôi, cấy meo, đi giao nấm… hàng ngày phải thức dậy từ 5 giờ để đi giao nấm, sau đó về làm phôi, rồi lại chạy đến các khóa học marketing, kế toán và kết thúc lúc 1h đêm sau khi cắt hái nấm.

Anh và các đồng nghiệp từng phải đi chào hàng từng kg nấm ở các chợ đầu mối truyền thống

Nhưng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Nấm chết nhiều, làm đâu lỗ đấy. Võ và bạn xích mích vì tranh luận xem bước tiếp theo nên làm gì để tốt hơn. Một lần nữa, anh lựa chọn ra đi.  

Thất bại lần thứ hai tiếp tục dạy cho anh một bài học là làm gì cũng cần phải học hành bài bản. Do đó, anh xin về một trang trại nấm ở Đồng Nai vừa phụ việc, vừa học nghề. Đến giữa năm 2018, anh quyết định trở lại TP Hồ Chí Minh hợp tác với 2 cộng sự cũ thành lập nông trại nấm xanh.  

Tuy nhiên, trong thời gian đầu do chưa nắm chắc kỹ thuật và thay đổi môi trường, những mẻ nấm đầu tiên của nông trại hỏng tới 60%, khiến anh thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Từ khoảng giữa năm 2018 đến tháng 10/2019, Võ cùng những người anh em của mình thậm chí làm việc không lương trong khi vẫn đảm bảo cuộc sống cho các nhân sự khác của công ty với mục tiêu đưa sản phẩm nấm sạch của trang trại ra thị trường.

Để có khách hàng, Võ và những người đồng nghiệp lên kế hoạch đi chào hàng tại các chợ đầu mối. Sau khi chọn được các chợ mục tiêu, mỗi ngày anh trực tiếp mang nấm đi chào từng sạp hàng, mỗi sạp hàng Võ đều tặng 1kg nấm để họ thấy được chất lượng của mình, kèm với đó là xin thông tin chủ sạp. Sau 5 ngày, anh hợp tác được với 10 mối hàng. Khi ấy sản lượng bán ra chỉ 300 kg nấm mỗi ngày.

Những sản phẩm của anh hiện đã được đưa vào hệ thống những siêu thị lớn

Sau một thời gian mang sản phẩm đi chào hàng nhiều nơi, tháng 8/2019 Anh Võ nhận cuộc gọi từ một tập đoàn lớn đề nghị cung cấp hàng cho họ. Sau hai tháng kiểm tra chất lượng cũng tới ngày họ đưa ra bản hợp đồng chính thức.

Khi hoàn thành bản hợp đồng lớn, chàng trai trẻ tâm sự: “Khi đó tôi đã không tin vào mắt mình. Chỉ biết rằng, trong suốt quãng đường về 20km tôi đã khóc như một đứa trẻ, khóc vì quá sung sướng và hạnh phúc, khóc vì nhóm đã đạt được thành công bước đầu, vì những cố gắng trong suốt hơn một năm đã có thành quả”. 

Nông trại nấm của chàng trai trẻ có diện tích 2.500m2, đang sản xuất các loại nấm tươi như nấm mối đen, bào ngư, nấm linh chi đỏ, nấm hồng chi, bào tử linh chi... năng suất mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 8 tấn. Nông trại gồm 2 cơ sở sản xuất, 1 kho hàng và 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đội ngũ nhân sự của nông trại nấm hiện tại là 10 người với chi phí tiền lương nhân công mỗi tháng 80 triệu đồng. Gần đây công ty của anh cũng đã ký thêm hợp đồng với một số hệ thống siêu thị và cửa hàng nông sản sạch khác.

Không dừng lại ở các sản phẩm nấm tươi, hiện nay nông trại còn chuyển sang sản xuất các sản phẩm nấm dược liệu, nấm khô, bột nấm. Bởi theo anh nhược điểm của sản phẩm này là thời gian bảo quản ngắn và khó bảo quản khi vận chuyển xa. Do đó, các sản phẩm từ nấm chế biến sẽ khắc phục được toàn bộ những hạn chế này. Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho các đối tác và hoạt động sản xuất, ngoài những sản phẩm tự làm ra, anh còn kết hợp với nhiều trại nấm khác để phát triển vùng nguyên liệu.

Sau những thành công đã gặt hái được sau 3 năm bước chân vào con đường khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, Anh Võ cho rằng, sản xuất nấm thì có nhiều người làm được, tuy nhiên, hầu hết nông dân mới chỉ tập trung vào kỹ thuật sản xuất mà hoàn toàn bị động ở mảng thị trường. Do đó, nhiều người thất bại và sớm bỏ cuộc giữa chừng.

Anh Nguyễn Anh Võ (áo đỏ) cùng cộng sự kiểm tra trang trại nấm linh chi.

Chàng trai trẻ cho biết, để chủ động ở cuộc chơi này, người sản xuất phải trả lời được 5 câu hỏi (who – where – when – what – how? Tức là khách hàng là ai? Họ ở đâu? Bán cho họ bằng cách nào? Khi nào họ lấy hàng? Đặc biệt là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm rao sao? Khi xác định được điều này sẽ không còn lo đầu ra nữa.

Anh cũng cho rằng làm nông không đơn giản chỉ là sản xuất ra sản phẩm, mà sản phẩm đó phải chất lượng, phải tìm tòi đầu ra, đừng mong đợi nhà nước hay các hiệp hội hỗ trợ. Những người nông dân phải chủ động vì tất cả chi phí đều là mồ hôi, nước mắt của mình bỏ ra. Phải xây dựng được uy tín với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác chứ đừng bao giờ nghĩ mình chỉ là nông dân nên có thể làm như thế nào cũng được.

Nguồn: Trung Kiên (Dân Việt)

Bình luận