: TVO 24H: 2024-02-29 09:26:01

Lượt xem: 2135

Tuyển sinh đại học năm 2024: Không nên có nhiều kì thi riêng

Ngoài xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đều có phương thức xét tuyển kết quả của một kì thi nào đó như thi đánh giá năng lực trong nước, quốc tế, hay thi đánh giá tư duy, thi đánh giá chuyên biệt để tuyển sinh. Thậm chí, năm nay, còn có thêm kì thi đánh giá năng lực đầu vào (V-SAT), nhưng thí sinh chưa rõ hình hài kì thi này thế nào.

Chị Hoàng Thị Thanh có con đang học lớp 12 Trường THCS&THPT Alfred Nobel, Hà Nội cho biết để tìm kiếm cơ hội trúng tuyển ĐH năm nay, con trai chị đã đăng kí dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (thi đợt 2, ngày 7/4), đăng kí thi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS. Ngoài ra, con cũng đang tìm hiểu thêm thông tin về kì thi V-SAT để đăng kí dự thi. Chị Thanh chia sẻ, tuy chưa đến kì thi tốt nghiệp THPT, nhưng việc đăng kí các kì thi riêng khá vất vả như kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng kí vừa qua. Ngoài chờ đợi 6 tiếng nghẽn mạng thì mẹ con chị cũng loay hoay 2 ngày mới nộp được lệ phí dự thi. Lí do vì ĐH Quốc gia Hà Nội thu phí qua hệ thống Viettel Money, hai mẹ con không biết làm thế nào để nộp vì tải app về điện thoại không thành công. Cuối cùng phải nhờ người quen nộp hộ.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Hà, ở Hoàng Mai, Hà Nội thời gian qua cũng rất vất vả tìm chỗ thi chứng chỉ IELTS cho con gái đang học lớp 12 ở Trường THPT Trương Định, Hà Nội. Theo anh chia sẻ, các điểm thi bằng hình thức trên giấy của đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS hiện nay còn rất ít, đa số tổ chức thi trên máy. Trong khi đó, con gái anh Hà không tự tin thi trên máy nên vừa qua, phải đăng kí thi ở ngoại tỉnh mới có chỗ.

giaoduc

Năm nay, thí sinh có hàng chục cơ hội tham gia kì thi riêng của các cơ sở giáo dục ĐH. Ảnh minh họa: Diệp An

Thông tin từ Học viện Ngân hàng cho biết vừa qua, Học viện này phối hợp Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, trực thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cùng 5 cơ sở giáo dục ĐH gồm Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Thái Nguyên tổ chức hội nghị hợp tác kì thi đánh giá năng lực đầu vào ĐH để tuyển sinh (V-SAT).

Tại đây, PGS.TS Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngân hàng cho biết, trong bối cảnh kì thi tốt nghiệp THPT mục đích chủ yếu là để xét tốt nghiệp THPT; các trường ĐH cần chủ động sử dụng các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn những người học đáp ứng mục tiêu đào tạo. Chính vì vậy, một kì thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao; đảm bảo tổ chức an toàn, khách quan, công bằng và tiện lợi cho thí sinh là vô cùng cần thiết để đánh giá năng lực của người học, đảm bảo chuẩn đầu vào ĐH.

Học viện Ngân hàng tổ chức thi và áp dụng tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi V-SAT với 7 môn thi gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Môn Toán thi 90 phút, các môn còn lại thi 60 phút. Nội dung thi phân bổ 90% kiến thức trong chương trình lớp 12, 10% trong chương trình lớp 10 và 11.

Trong kì thi V-SAT năm 2024, Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục có trách nhiệm cung cấp ngân hàng câu hỏi thi, phần mềm tổ chức thi bảo đảm mục tiêu của kỳ thi; phối hợp hỗ trợ các trường đại học trong tổ chức các đợt thi; xây dựng báo cáo phân tích kết quả thi và cung cấp cho các trường ĐH; thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm theo hợp đồng ký với các trường ĐH trong việc phối hợp tổ chức mỗi đợt thi.

Dự kiến, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi V-SAT, năm nay Học viện Ngân hàng vẫn sử dụng 5 phương thức xét tuyển tương tự như năm 2023.

Tuy nhiên, điều thí sinh băn khoăn là, trong số 6 cơ sở giáo dục ĐH năm nay tổ chức kì thi V-SAT để xét tuyển sinh ĐH, có 3 đơn vị lần đầu tổ chức là Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Thái Nguyên (các cơ sở còn lại những năm trước đã tổ chức kì thi này). Nhưng đến nay, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào 3 đơn vị lần đầu tổ chức thi chưa biết đề thi minh họa do các cơ sở giáo dục ĐH này tổ chức thi V-SAT như thế nào, chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này ra sao. Hơn nữa, trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục ĐH này cũng không có động thái thông báo lộ trình điều chỉnh các phương thức tuyển sinh để thí sinh biết, chuẩn bị.

Trong khi đó, tại các hội thảo, hội nghị về tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đều khuyến cáo các trường ĐH dù được phép tự chủ tuyển sinh nhưng khi điều chỉnh đề án tuyển sinh phải có lộ trình thông báo cho thí sinh.

Ngoài kì thi V-SAT của 6 cơ sở giáo dục ĐH nêu trên, năm nay, thí sinh còn có nhiều kì thi khác như đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa, bài thi đánh giá của Bộ Công an, kì thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định không thể mỗi lĩnh vực lại có một kì thi riêng. Tiến tới sẽ không có quá nhiều kì thi diễn ra, bởi các trường khi tổ chức cần tính đến hiệu quả của kì thi.

Để tổ chức kì thi hiệu quả không hề dễ dàng, cách tốt nhất là các trường hợp tác, liên kết theo nhóm, cùng xây dựng, cùng tổ chức một số kì thi, nên dừng lại ở 1 - 2 kì thi là tốt nhất.

Nguồn Tiền Phong

Bình luận