: TVO 24H: 2020-07-12 06:50:04

Lượt xem: 2512

Các trường tư thục lo lắng thu nhập nếu nghỉ hè 3 tháng

Các trường tư thục cho rằng, nếu nghỉ hè 3 tháng sẽ rất khó khăn khi triển khai chương trình dạy học, nguồn thu để chi trả lương cho giáo viên.

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 và những năm sau theo hướng, quy định thống nhất thời gian khai giảng năm học là ngày 5/9, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng đang khiến các trường tư thục lo lắng, bất an. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố phương án sửa đổi Thông tư số 13 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục, nhưng các trường tư thục cho rằng, nếu nghỉ hè 3 tháng sẽ rất khó khăn khi triển khai chương trình dạy học và khó đảm bảo nguồn thu để chi trả lương cho giáo viên.

cac truong tu thuc lo lang thu nhap neu nghi he 3 thang hinh 1
 

Tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư số 13 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “Trường phổ thông tư thục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung”.

Điều các trường lo lắng đó là nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa thông tư thì liệu các trường tư thục tới đây có được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm để thực hiện các chương trình nhà trường hay không? Khi học sinh và phụ huynh có nhu cầu nhà trường tổ chức các hoạt động hè, câu lạc bộ, ôn tập củng cố kiến thức cũ cho các em học yếu... Trong thời gian nghỉ hè trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và thỏa thuận, thì liệu các trường có được triển khai hay không?.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường tư thục Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, để thu hút học sinh, các trường tư thục phải tổ chức nhiều hoạt động ngoài nhà trường nên thời gian 9 tháng là không đủ để vừa dạy chương trình của Bộ, vừa tổ chức các hoạt động. Do đó, phải có thời gian trong hè để học sinh học kiến thức và nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài chương trình học. Thực tế là nhu cầu cho con học tập các chương trình ngoại khóa, các kỹ năng sống trong dịp hè của phụ huynh rất lớn.

"Nếu chúng tôi như trường công chỉ dạy chương trình của Bộ mà không có chương trình tư thì chẳng ai học cả, thì trường chúng tôi phá sản luôn, cho nên bắt buộc chúng tôi phải có những chương trình riêng của nhà trường để phục vụ cho nhu cầu của phụ huynh. Chương trình của nhà trường bắt buộc chúng tôi có 20% thời lượng của chương trình nhà trường. Để thực hiện chương trình đó thì chúng tôi không thể bó gọn trong 9 tháng. Hơn 20 năm nay trường đều đều tựu trường từ mùng 1 tháng 8 cả và như thế chúng tôi mới đảm bảo được chương trình ngoài chương trình dạy kiến thức", bà Hiền chia sẻ.

Theo đại diện của nhiều trường tư thục, khối các trường tư thục ngày càng khẳng định được vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của nhân dân, giúp Nhà nước giảm áp lực về ngân sách, biên chế, sĩ số các trường công lập ở đô thị lớn. Do đó, các chính sách đối với giáo dục cần có sự cân nhắc để bảo đảm phù hợp, thỏa đáng, nhất là chính sách đó có thể tác động, ảnh hưởng tới toàn xã hội, tới mỗi gia đình. Nếu 3 tháng hè không hoạt động thì vô cùng lãng phí các cơ sở giáo dục hiện đại, trong khi trường cũng khó khăn do không có nguồn thu mà vẫn phải chi trả lương giáo viên.

Vì vậy, các trường kiến nghị chỉ nên nghỉ hè 2 tháng, (tháng 6, tháng 7) và học sinh đi học từ đầu tháng 8. Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) kiến nghị, thời gian tựu trường cần tính đến sự đa dạng của xã hội, vùng miền sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

"Chúng ta chỉ nên kiểm soát chương trình thôi. Đến cuối năm, các trường phải kết thúc chương trình như thế này và phải đảm bảo chất lượng. Còn lại là hãy để cho các vùng miền, các trường, cả trường ngoài công lập người ta có những cái uyển chuyển trong việc này và dạy thêm nhiều kỹ năng hơn. Đó là sinh hoạt hè, là hoạt động hè chứ không phải là chỉ dạy Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh đâu", bà Dương cho hay.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền ban hành những quy định liên quan đến giáo dục. Tuy nhiên, khi ban hành bất kỳ quy định nào thì đều phải đánh giá tác động đối với xã hội. Trong trường hợp này, cần đánh giá tác động của quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng 5/9 đối với học sinh và phụ huynh, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 đồng tình với quy định thống nhất ngày khai giảng trên toàn quốc, không tổ chức dạy học kiến thức trong dịp hè, nhưng cho rằng Bộ nên cho phép các trường tư thục được tổ chức các hoạt động hè để tạo điều kiện thuận lợi cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.

"Để cho các trường, đặc biệt là khối trường tư thục, dân lập để họ có quyền tổ chức sinh hoạt hè, có thể là một tháng như Thông tư 13, thậm chí tôi nghĩ có thể hơn tùy điều kiện cụ thể, trên cơ sở với mục tiêu cao nhất là phục vụ đối tượng là phụ huynh và học sinh để cho sự phát triển của học sinh cho tốt. Bởi vì trong trường hợp điều kiện Việt Nam hiện nay, nếu những gia đình mà không có điều kiện gửi con trong hè, có chỗ để các cháu có thể là sinh hoạt tập thể thì nó sẽ gây ra nhiều hậu họa. Bởi vì thực tế Việt Nam có những nơi an ninh chưa tốt", bà An chia sẻ.

Trong ngày 9/7, đại diện các trường tư thục ở Hà Nội đã gửi thư kiến nghị khẩn cấp tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó đề xuất Bộ nên giữ nguyên Khoản 3, Điều 14, Thông tư số 13 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định cho phép các trường tư thục được nhập học sớm hơn trường công lập 4 tuần./.

 
Bình luận