: TVO 24H: 2024-04-17 08:23:45

Lượt xem: 299

Cách nào để doanh nghiệp mua bán điện 'sạch' không qua EVN?

Muốn mua bán điện 'sạch' với nhau, các DN phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực...

Thông tin trên được đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) vừa được Bộ Công Thương hoàn thiện.

điện mặt trời điện gió.jpg
Cơ chế DPPA vẫn đang chờ chính sách để triển khai trong thực tế. Ảnh: Thạch Thảo

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đề xuất hai trường hợp các doanh nghiệp được trực tiếp mua bán điện 'sạch' với nhau.

Một là mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng (không qua lưới điện quốc gia).

Hai là mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua lưới điện quốc gia 

Cách thức mua bán điện qua đường dây kết nối riêng

Đối với hoạt động mua bán điện thông qua đường dây riêng kết nối trực tiếp giữa Đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, dự thảo Nghị định quy định: Các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về: quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực (thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư công trình nguồn điện); quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, vận hành...

Các hợp đồng mua bán điện này không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện.

Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp do hai bên thỏa thuận. Hợp đồng mua bán điện bao gồm các nội dung sau chính sau: Chủ thể hợp đồng; Mục đích sử dụng; Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; Điều kiện chấm dứt hợp đồng; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Thời hạn của hợp đồng; Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.

Dự thảo cũng nêu rõ giá bán điện do hai bên thỏa thuận. Trừ trường hợp đơn vị phát điện là đơn vị bán lẻ điện tại các khu công nghiệp kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện khác (nhà máy phát điện tại chỗ; mua điện từ các nguồn điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp.

Trường hợp này giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định về thực hiện giá bán điện và các văn bản sửa đổi, bổ sung do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia

Với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự thảo Nghị định có những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn hình thức mua bán điện qua đường dây riêng.

Đó là đơn vị phát điện phải sở hữu nhà máy điện có công suất thiết kế từ 10 MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Trong giai đoạn đầu, dự thảo Nghị định cho phép đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục mở rộng loại hình công nghệ phát điện khác (thủy điện, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt,…) căn cứ theo nhu cầu của khách hàng, đơn vị phát điện và tình hình phát triển hệ thống điện và thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Ở phía khách hàng sử dụng điện lớn, dự thảo yêu cầu phải là tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam mua điện đấu nối từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh, bao gồm: Khách hàng lớn đang mua điện từ Tổng công ty Điện lực và khách hàng lớn mua điện từ đơn vị phân phối bán lẻ không phải Tổng công ty Điện lực...

Trong giai đoạn đầu, dự thảo chỉ cho phép khách hàng sản xuất tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp. Còn trong giai đoạn tiếp theo, sẽ tiếp tục mở rộng cho các khách hàng sử dụng điện khác tham gia cơ chế căn cứ theo nhu cầu của khách hàng, đơn vị phát điện, tình hình phát triển hệ thống điện và thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Khách hàng sử dụng điện lớn trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo quy định tại Nghị định này khi đáp ứng nhiều điều kiện.

Một là thống nhất với đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất về việc chấm dứt hợp đồng mua bán điện hiện hữu để tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp;  

Hai là công tơ đo đếm của khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp với Tổng công ty Điện lực đáp ứng các điều kiện kỹ thuật theo quy định;

Ba là thống nhất đơn vị bán lẻ điện trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất phí bán lẻ trong hàng rào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất (từ công tơ mua điện tổng của đơn vị bán lẻ trong khu công nghiệp đến công tơ bán lẻ điện cho khách hàng).

Dự thảo yêu cầu đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn đáp ứng yêu cầu tại Nghị định này thỏa thuận và gửi hồ sơ về Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện để đăng ký việc tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp,

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra cách thức thanh toán tiền giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Theo đó, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng song phương theo dạng hợp đồng kỳ hạn trên cơ sở các nội dung chính của hợp đồng kỳ hạn quy định tại Nghị định này. Thời hạn của Hợp đồng kỳ hạn, giá hợp đồng và sản lượng điện cam kết trong hợp đồng kỳ hạn cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai do hai bên thỏa thuận, thống nhất.

Giá tham chiếu theo giá thị trường điện giao ngay do Đơn vị vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện tính toán, công bố theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh được Bộ Công Thương ban hành. 

Xem toàn văn dự thảo Nghị định:

Nguồn: Vietnamnet

 
Bình luận