: TVO 24H: 2025-05-09 12:21:50
Lượt xem: 223
Đồ uống có đường: Không hành động ngay sẽ trả giá bằng sinh mệnh người dân
Theo các đại biểu, hiện có hơn 5 triệu người Việt Nam đang sống chung với tiểu đường, 40% trẻ em thành thị mắc bệnh thừa cân, béo phì...
Hơn 120.000 ca bệnh ung thư tử vong mỗi năm
Góp ý với nội dung này, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng phương án lùi đánh thuế suất với nước giải khát có đường tiêu chuẩn Việt Nam 5g/100ml mức 8-10% đến 2027-2028 là quá chậm và quá thấp.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai). Ảnh: PHẠM THẮNG
Với lập luận rằng áp thuế 10% có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng, cần cân bằng giữa mục tiêu sức khỏe và mục tiêu tăng trưởng chỉ đúng trong điều kiện lý tưởng khi Việt Nam không phải đối mặt với một “đại dịch thầm lặng” mang tên bệnh không lây nhiễm đang tàn phá từng gia đình.
“Hơn 21 triệu người Việt Nam trưởng thành mắc bệnh tim mạch, tương đương 1/4 dân số, trong đó 200.000 người chết mỗi năm vì bệnh không lây nhiễm. Hơn 5 triệu người Việt đang sống chung với tiểu đường, 40% trẻ em thành thị mắc bệnh thừa cân, béo phì”- ông Hoàng Anh nói và cho rằng đồ uống có đường vốn không có nhiều giá trị dinh dưỡng.
Ngoài ra, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường còn dẫn tới gia tăng khả năng ung thư, hiện chưa có thuốc đặc trị.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 360.000 người đang mắc "án tử ung thư". Mỗi năm có khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam lên tới 73,5%, cao hơn rất nhiều so mức trung bình trên toàn cầu.
Trong khi đó mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng phi mã từ 1,59 tỉ lít 2009 lên tới 6,67 tỉ lít năm 2023 tương đương mức tăng 420%. Trung bình mỗi người Việt tiêu thụ hơn 70 lít/năm, gấp đôi mức khuyến nghị để đảm bảo sức khỏe.
Thứ hai, đây không chỉ là chính sách thuế mà còn là lựa chọn chiến lược của một quốc gia có trách nhiệm. Chẳng hạn, Thái Lan áp thuế từ năm 2017 và đã giảm được mức tiêu dùng của người dân trên thực tế; Philippines hay Malaysia thu hàng tỉ USD từ loại thuế này…
“Nếu hôm nay không hành động, ngày mai chúng ta sẽ trả giá bằng ngân sách y tế, bằng năng suất lao động và bằng chính sinh mệnh của người dân”- ông Hoàng Anh nói và nhấn mạnh việc áp thuế đủ mạnh là một phần của cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã tuyên bố với thế giới.
Đại biểu Hoàng Anh kiến nghị không giảm thuế suất xuống 8% mà giữ mức 10% từ năm 2026 và 20% từ năm 2030, đồng thời bổ sung thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường như mô hình mà Thái Lan đang áp dụng.
Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 9-5 về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Ảnh: PHẠM THẮNG
Đề xuất kiểm nghiệm độc lập đối với sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng bày tỏ nhất trí cao với việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, như đề xuất tại dự thảo Luật.
Theo bà Nga, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này trước tiên không chỉ nhằm tăng thu ngân sách, mà trước hết là để định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn. Trên thực tế, nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico… đã áp dụng và đạt được kết quả tích cực...
Bày tỏ đồng tình với việc quy định rõ ràng về ngưỡng đường từ 5g/100ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam khi áp thuế, bà Việt Nga cho rằng điều này nhằm tạo sự minh bạch, tránh áp dụng tràn lan đối với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa, nước trái cây nguyên chất không đường bổ sung. Đặc biệt, giúp chính sách thuế áp dụng đúng vào nhóm sản phẩm cần điều chỉnh, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất thực phẩm lành mạnh.
Các sản phẩm, thực phẩm, đồ uống hiện nay do doanh nghiệp sản xuất tự công bố chỉ tiêu chất lượng, để ngăn chặn gian lận, nữ đại biểu đề xuất cần có quy định bắt buộc kiểm nghiệm độc lập đối với sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng cường hậu kiểm, lấy mẫu ngẫu nhiên trong thị trường.
“Phải chế tài mạnh hơn nữa với các hành vi gian lận, công bố sai chỉ tiêu chất lượng sản phẩm”- đại biểu Nga nhấn mạnh và đề nghị Bộ Y tế cần phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan lập cơ sở dữ liệu công khai về hàm lượng đường của các sản phẩm đồ uống trên thị trường do cơ quan chức năng xác minh.
Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi lý giải về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Mãi, đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: PHẠM THẮNG
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”– ông Mãi nói.
Phân tích thêm, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhìn nhận vì mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp.
Tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.
Nguồn: PLO