: TVO 24H: 2023-03-29 13:10:32

Lượt xem: 2153

Lắp mái che đường Lê Lợi: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nói gì?

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết ngoài đề xuất lắp mái che, đoạn đường Lê Lợi sẽ được nghiên cứu trồng thêm cây xanh. Tuy nhiên việc trồng những loại cây to, rễ sâu phải được cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến các công trình ngầm bên dưới.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TPHCM vừa có đề xuất UBND TP về việc lắp đặt mái che trên đoạn vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1). Nói về đề xuất này, Sở QH-KT cho biết, sau khi hoàn trả, tái lập mặt bằng thi công tuyến đường sắt đô thị trên trục đường Lê Lợi (quận 1), yếu tố cảnh quan và các tiện ích đáp ứng cho mọi hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân, du khách vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Do không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên giải pháp hiện nay là tăng cường mái che để vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng lưu thông với chợ Bến Thành.

Lắp mái che đường Lê Lợi: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nói gì?

Du khách đi bộ trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) dưới thời tiết nắng nóng.

Về biện pháp kỹ thuật, vỉa hè mỗi bên trung bình 5,5 – 6m; bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4 mét. Vật liệu được sử dụng gồm các chất liệu đẹp, bền vững với chi phí tiết kiệm, kết hợp các loại vật tư có màu sắc nhẹ nhàng, có thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Kinh phí ước tính sơ bộ ban đầu khoảng 20 đến 30 tỷ đồng (bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công…). Về kinh phí, UBND quận 1 xem xét, xin ý kiến UBND TP về nguồn xã hội hóa…

Đại diện Sở QH-KT TPHCM cho biết, hiện nay bên dưới tuyến đường Lê Lợi là hệ thống ngầm của tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1), song song đó, tuyến đường này sẽ hình thành hệ thống trung tâm thương mại ngầm trong tương lai.

“Theo quy hoạch, khu vực bên dưới đường Lê Lợi là không gian ngầm, phía bên trên là không gian mở. Hiện nay, sau khi tái lập mặt bằng, đoạn đường Lê Lợi đang rất nắng, ảnh hưởng đến người dân và du khách. Việc làm mái che thì các quốc gia khác cũng đã thực hiện. Với quốc gia nhiệt đới như nước ta, việc làm mái che là bình thường. Nếu cơ quan chức năng không làm mái che được, để cho người dân tự làm riêng lẻ thì sẽ thiếu tính đồng bộ, không đảm bảo mỹ quan”- đại diện Sở QH-KT TPHCM cho biết.

Lắp mái che đường Lê Lợi: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nói gì?

Đoạn đường Lê Lợi sẽ được nghiên cứu trồng cây xanh để tạo cảnh quan hài hòa cho khu vực.

Vẫn theo đại diện Sở QH-KT, sau khi có chủ trương thực hiện, các nhà tư vấn sẽ vào cuộc tính toán việc thực hiện mái che để công trình vừa đẹp, hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ cũng như chi phí hợp lý. Ngoài ra, việc đề xuất này không có ý nghĩa thay thế cây xanh ở khu vực. Trục đường này sẽ được nghiên cứu trồng cây xanh, tuy nhiên việc trồng những loại cây to, rễ sâu thì phải cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến các công trình ngầm bên dưới.

Được biết, trước đó các đơn vị đã nghiên cứu bố trí vị trí đỗ xe máy, trụ đèn, thảm cỏ ở khu vực đường Lê Lợi sau khi hoàn trả mặt bằng để tạo cảnh quan.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc về việc kinh phí tăng cao, công trình thi công phải đào đường, ảnh hưởng đến công trình metro ngầm nên các phương án này đã được rút lại và chỉ giữ phương án đề xuất làm mái che.

Theo đại diện Sở QH-KT TPHCM, việc bố trí mảng xanh cho khu vực sẽ được các đơn vị phối hợp, chọn loại cây phù hợp, hài hoà với không gian để tạo cảnh quan phục vụ người dân và du khách.

Nguồn Tiền Phong

Bình luận