: TVO 24H: 2020-10-16 15:39:03

Lượt xem: 2472

MSN hạ nhiệt sau chuỗi ngày tăng nóng, VN-Index giữ vững sắc xanh trong phiên cuối tuần

Sự khởi sắc của FPT, PLX, PNJ, POW, cùng các cổ phiếu ngân hàng CTG, MBB, VPB, TPB…đã giúp thị trường giữ vững sắc xanh trong phiên hôm nay.

Phiên giao dịch chiều tiếp tục diễn ra với nhịp rung lắc mạnh. Cổ phiếu "nóng" MSN có lúc giảm sàn, dù vậy lực cầu bắt đáy mạnh đã giúp MSN đóng cửa chỉ còn giảm 1,36% xuống 80.000 đồng. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn như BVH, MSN, REE, VCB, SAB, VJC, VHM, TCB, MWG, CTD…giảm điểm cũng tác động tiêu cực tới thị trường.

DBC tiếp tục bị bán mạnh và đóng cửa giảm hơn 2% xuống 40.600 đồng do giá thịt lợn sụt giảm mạnh những ngày gần đây.

Ở chiều ngược lại, sự khởi sắc của FPT, PLX, PNJ, POW, cùng các cổ phiếu ngân hàng CTG, MBB, VPB, TPB…đã giúp thị trường giữ vững sắc xanh trong phiên hôm nay. Nhóm chứng khoán cũng có giao dịch khá tích cực với nhiều mã tăng như VCI, VND, HCM, VFS…

DGW có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng 600 đồng (+1,13%) lên 53.500 đồng với khối lượng khớp lệnh hơn 420 nghìn đơn vị. Digiworld hiện đang lên chiến lược với Xiaomi để đưa TV và các sản phẩm thông minh khác của hãng vào Việt Nam.

Ngoài ra, Digiworld cũng đã trở thành đại lý phân phối ủy quyền cho Apple tại Việt Nam kể từ cuối tháng 6/2020. Như vậy, 40% thị phần điện thoại Iphone tại Việt Nam là hàng xách tay và đây là thị trường tiềm năng để Digiworld khai thác. Danh mục sản phẩm chính gồm iPhone, MacBook, iPad, Apple Watch, Beats, Apple TV và các phụ kiện khác. Khách hàng mục tiêu của họ là các nhà bán lẻ trên toàn quốc, trừ Thế giới Di động và FPT Retail.

Năm 2020, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.200 tỷ, LNST đạt 202 tỷ; nửa đầu năm Công ty đã thực hiện được 48% chỉ tiêu doanh thu và 46% chỉ tiêu lợi nhuận. Năm nay, HĐQT đề xuất mức cổ tức tiền mặt 10%, đồng thời phát hành 1,2 triệu cổ phần ESOP với giá chào bán là 10.000 đồng/cp cho CBCNV.

Quỹ đầu tư Phần Lan – Evli Emerging Frontier Fund mới đây đã trở thành cổ đông lớn tại Digiworld với tỷ lệ sở hữu 5,14%. Digiworld cũng là khoản đầu tư lớn thứ 2 trong danh mục quỹ.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,54 điểm (0,06%) lên 943,3 điểm; HNX-Index tăng 0,12% lên 139,82 điểm và UPCom-Index tăng 0,59% lên 63,85 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 10.500 tỷ đồng.

Dù vậy, giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ bán ròng hơn 400 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực bán tập trung vào MSN, CTG, VPB…

Trên TTCK Phái sinh, cả 4 HĐTL đóng cửa với basis âm từ 6,49 điểm đến âm 17,99 điểm cho thấy giới đầu tư đang khá thận trọng với xu hướng thị trường lúc này.

Sau những phút rung lắc mạnh đầu phiên, thị trường đã lấy lại "phong độ" tích cực về cuối buổi sáng. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, GAS, HPG, VIC, VNM, PNJ, VRE,…cùng các cổ phiếu ngân hàng ACB, BID, CTG, MBB, SHB, VIB, VPB, HDB, TCB, TPB…đồng loạt tăng mạnh giúp thị trường giữ vững sắc xanh.

MSN sau giai đoạn bứt phá mạnh từ đầu tháng 10 tới nay đang chững lại và hiện giảm 1.100 đồng. Trong khi đó, MSR vẫn hút tiền khá tốt và tăng gần 4%.

Nhóm chứng khoán cũng giao dịch khởi sắc với HCM, SSI, VCI, FTS tăng điểm, trong đó VCI là cái tên nổi bật nhất khi có lúc tăng trần.

Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 3,19 điểm (0,34%) lên 945,95 điểm; HNX-Index tăng 0,68% lên 140,6 điểm và UPCom-Index tăng 0,76% lên 63,96 điểm. Giá trị giao dịch trên 3 sàn ở mức cao với gần 6.000 tỷ đồng.

Khối ngoại hiện bán ròng 240 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trugn vào MSN, CTG, E1VFVN30…

Những phút đầu phiên giao dịch diễn ra với nhịp rung lắc khá mạnh. Chỉ số VN-Index có thời điểm thủng mốc 940 và lùi về 935 khi các cổ phiếu lớn như BVH, MSN, VJC, MWG đồng loạt giảm sâu.

Dù vậy, sự bứt phá của các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, MBB, VPB, TCB…cùng các cổ phiếu như HPG, VRE, PNJ, POW đã giúp các chỉ số mau chóng hồi phục về sát mốc tham chiếu. Trên sàn UPCom, nhiều cổ phiếu như MSR, BVB, CTR, VIB, LPB đang thu hút dòng tiền và tăng khá tốt.

VCI của chứng khoán Bản Việt cũng tăng mạnh và thậm chí có lúc tăng kịch trần. Kỳ vọng về KQKD quý 3 khởi sắc cũng từ các mảng môi giới, IB…đã giúp cổ phiếu này thu hút dòng tiền đầu cơ.

Tại thời điểm 10h10’, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 1,2 điểm (0,13%) xuống 941,56 điểm, HNX-Index giảm 0,09% xuống 139,54 điểm, trong khi UPCom-Index tăng 0,48% lên 63,78 điểm.

Khối ngoại hiện bán ròng 85 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực bán tập trung vào các Bluechips như MSN, CTG, E1VFVN30, FUEVFVND…

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa thấp hơn 19,8 điểm, tương đương 0,07%, ở mức 28,494,20 điểm. Tuy nhiên, trước đó trong phiên, chỉ số gồm 30 cổ phiếu đã giảm hơn 300 điểm. S&P 500 mất 0,2% còn 3.483,34 điểm và Nasdaq Composite rớt 0,5% xuống 11.713,87.

Facebook dẫn đầu đà giảm của cổ phiếu Big Tech, giảm 1,9% trong bối cảnh lo ngại về quy định mới gia tăng. Cổ phiếu Amazon giảm 0,8%. Alphabet và Microsoft rớt 0,5% và Apple giảm 0,4%. Đà giảm của cổ phiếu công nghệ được bù đắp phần nào nhờ mức tăng của ngân hàng và công ty năng lượng. JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Citigroup đều tăng hơn 1%. Exxon Mobil và Chevron lần lượt tăng 0,9% và 0,8%.

Diễn biến tiêu cực ở phiên này đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp đối với các chỉ số chính, chuỗi giảm dài nhất trong gần một tháng.

Trong nước, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng gần 300 tỷ đồng trong phiên 15/10. Dù vậy, VN-Index vẫn giữ vững mốc 940 điểm nhờ lực cầu mạnh mẽ từ khối nội.

Nguồn: Minh Anh( Trí thức trẻ)

Bình luận