: TVO 24H: 2023-05-09 10:20:06

Lượt xem: 22566

Nâng ngực bằng ‘sóng xung kích’, cô gái trẻ bị đa áp xe vú

Sau khi thực hiện nâng ngực ở một spa tại Hà Nội, chị N. (31 tuổi) bị sưng tức ngực hai bên, sốt, kèm đau đớn. Các bác sĩ phát hiện trong ngực bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc.

Nâng ngực bằng ‘sóng xung kích’, cô gái trẻ bị đa áp xe vú

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật chích rạch ổ áp xe vú của bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Ngày 8-5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin vừa tiếp nhận điều trị cho chị N. (31 tuổi, trú tại Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng vú trái khối chắc, sưng nóng, đỏ và đau.

Theo chia sẻ của chị N., cách đây 1 tháng, nghe thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, chị đã đến một cơ sở spa tại Hà Nội với mong muốn cải thiện vòng 1. Chi phí cho dịch vụ nâng ngực bằng "sóng xung kích" là 6 triệu đồng.

"Trong quá trình thực hiện, chủ spa cho biết tình trạng ngực của tôi cần dịch vụ sóng xung kích cao cấp hơn và yêu cầu đóng 20 triệu, có thể trả sau hoặc trả góp. Sau đó họ có bịt mắt tôi và bắt đầu thực hiện dịch vụ", chị N. cho hay.

Sau khi nâng ngực xong tại spa, ngay hôm sau chị N. thấy đau ngực, khó thở, nổi ban đỏ toàn thân và cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long (Bắc Giang).

Sau 3 ngày ra viện, chị N. quay lại spa thì chủ spa cho hay có tiêm chất làm đầy, cấy chỉ vào ngực. Sau đó, chị N. tiếp tục tiêm tan chất làm đầy, rút chỉ nhưng vẫn xuất hiện phát ban, đau ngực.

Chị N. vào viện điều trị và dùng kháng sinh chống viêm gần 1 tháng nhưng tình trạng không thuyên giảm. Lúc này, chị mới đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm khám.

Tại đây qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch vú trái ra 40cc dịch vàng đục ở trong và dưới tuyến vú. Các bác sĩ phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch lấy khỏi vú bệnh nhân.

Theo bác sĩ Lưu Phương Lan - khoa phẫu thuật tạo hình và vi phẫu bệnh viện, do các chất làm đầy không có nguồn gốc rõ ràng, không rõ tiêm vị trí và số lượng nên sau phẫu thuật vẫn còn nguy cơ viêm tấy áp xe vú, viêm xơ tuyến vú.

"Đã có nhiều trường hợp viêm tấy áp xe tuyến vú sau tiêm chất lạ vào vú nhiều lần sau 5 năm, 10 năm, 20 năm và phải phẫu thuật nhiều lần gây tàn phá cho nhu mô tuyến vú, thậm chí cắt toàn bộ nhu mô tuyến vú", bác sĩ Lan thông tin.

Cảnh giác với chiêu trò quảng cáo

Theo bác sĩ Lan, thời gian gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler qua những quảng cáo trên mạng xã hội như tiêm sóng xung kích, tiêm mỡ tự thân nâng ngực của một số spa, cơ sở thẩm mỹ.

"Đây đều là những thông tin quảng cáo không được kiểm chứng. Khi thực hiện thủ thuật tại các cơ sở làm đẹp, quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu, dẫn đến nhiều nguy cơ. Đã có những trường hợp vùng ngực đã bị hoại tử nặng phải cắt bỏ toàn bộ ngực để giữ tính mạng.

Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện, các chị em cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật. Tránh tin vào lời quảng cáo để đánh đổi bằng sức khỏe của mình", bác sĩ Lan khuyến cáo.

Nguồn Tuổi trẻ

Bình luận