: TVO 24H: 2019-12-08 17:10:24
Lượt xem: 2568
Nhận hàng chục tỷ USD cứu trợ để khắc phục cảnh vỡ nợ nhưng các công ty tư nhân Trung Quốc vẫn 'hấp hối', phải chăng Bắc Kinh đã bất lực?
Các công ty tư nhân Trung Quốc tiếp tục rơi vào cảnh vỡ nợ, ngay cả sau khi nhận được khoản "cứu trợ" của chính phủ. Điều này đặt ra những nghi ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc "giải cứu" các công ty niêm yết bằng công quỹ.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã khởi động một trong những chiến dịch lớn nhất do nhà nước lãnh đạo để "giải cứu" các doanh nghiệp khu vưc tư nhân đang gặp khó khăn, sau khi giá cổ phiếu cầm cố sụt giảm - cho phép các công ty đi vay bằng cách sử dụng cổ phiếu niêm yết của mình làm tài sản thế chấp. Kể từ khi chiến dịch được bắt đầu vào tháng 8/2018, trong số 399 công ty tư nhân niêm yết đã nhận được trợ cấp của chính phủ, thì 75 công ty cho biết họ không đủ khả năng thanh toán sau khi toà án địa phương yêu cầu.
Bo Zhuang, một kinh tế gia tại TS Lombard, cho hay: "Gói cứu trợ của chính phủ đang góp phần tạo ra rủi ro đạo đức và khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính. Họ đang giải quyết những vấn đề ngắn hạn bằng cách tạo ra những rủi ro dài hạn."
Các "gói cứu trợ" là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc đưa ra nhằm khôi phục khu vực tư nhân vốn chìm sâu trong nợ nần. Đây là khu vực có các công ty nộp thuế và sử dụng lực lượng lao động lớn nhất, nhưng lại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi kinh tế giảm tốc.
Các định chế tài chính của nhà nước, gồm các quỹ đầu tư, môi giới và công ty bảo hiểm, đã cho vay hơn 160 tỷ CNY (22,7 tỷ USD) dưới hình thức cho vay cầm cố cổ phiếu cho các công ty tư nhân đang gặp khó khăn, niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, theo số liệu của East Money Information - một nhà cung cấp thông tin tài chính.
Những công ty nhận khoản hỗ trợ tài chính - hầu hết là các công ty tư nhân thuộc lĩnh vực sản xuất, đã gặp khó khăn sau nhiều lần đi vay cầm cố cổ phiếu vào các năm trước. Họ thực hiện việc này khi giá cổ phiếu lên cao, nhưng sau đó lại sụt giá mạnh. Chỉ số CSI 300 rớt 30% vào năm ngoái khiến các công ty đi vay này gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về mức giá đặt ra khi đi vay, đẩy họ rơi vào khủng hoảng thanh khoản.
Tình trạng này khiến Bắc Kinh lo ngại về một số công ty, nhiều trong số đó là những công ty lớn, có thể sẽ sụp đổ và gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế địa phương. Dù "gói trợ cấp" là "đường sống" cho một số công ty, nhưng lại không có tác dụng khuyến khích họ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.
Theo Financial Times, hồ sơ của toà án cho thấy Wenke Landscape - công ty có trụ sở ở Thâm Quyến, đã không thể thanh toán 3 khoản nợ có tổng giá trị 927.953 CNY, sau khi sử dụng khoản vay cầm cố cổ phiếu trị giá 310 triệu CNY từ một quỹ đầu tư của nhà nước hồi tháng 5. Một nhân viên cấp cao của công ty này cho biết việc không thể thanh toán nợ là điều bình thường khi nền kinh tế giảm tốc. Người này nói: "Phán quyết của toà án không liên quan đến khoản tài trợ của chính phủ mà chúng tôi đã nhận."
Tuy nhiên, một nhà quản lý quỹ tại Thượng Hải cho biết các công ty vỡ nợ nhận được trợ cấp đều có vấn đề về mô hinh quản lý hoặc kinh doanh. Người này nhận định: "Họ không gặp rắc rối chỉ vì những vấn đề chỉ xảy ra 1 lần. Họ rơi vào cảnh này vì đều là những công ty hoạt động kém hiệu quả."
Những hạn chế của "gói cứu trợ" tiền mặt đã thúc đẩy một số "đi xa hơn", họ mua lại các công ty gặp khó khăn về tài chính và thay đổi mô hình quản lý. Nghiên cứu của FT cho thấy các chính quyền địa phương đã mua cổ phần chi phối tại hơn 10 công ty tư nhân gặp khủng hoảng vì đi vay dựa vào việc cầm cố cổ phiếu. Thế nhưng, số lượng các vụ vỡ nợ vẫn tiếp tục tăng lên.
Ở phía đông thành phố Long Nham, 2 tháng trước, chính quyền địa phương đã đưa một cựu quan chức lên làm chủ tịch của công ty Ideal Jewelry Industrial, sau khi một tập đoàn đầu tư nhà nước mua cổ phần chi phối với 217 triệu CNY. Sun Hailong - thư ký hội đồng quản trị của Ideal Jewelry Industrial, cho biết việc thay đổi bộ máy quản lý sẽ "cải thiện hoạt động quản trị và làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp." Tuy nhiên, tháng trước, công ty này tiếp tục thông báo không đủ khả năng thanh toán nợ cho một nhà cung cấp của họ.
Wang Jun, một nhà kinh tế làm việc tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nhận định: "Rõ ràng rằng sự thất bại của các công ty này có thể gây ra một loạt hậu quả đối với kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, lần 'giải cứu' đầu tiên có thể sẽ tạo ra lần thứ hai, lần thứ ba. Từ đó, các công ty gặp khó khăn sẽ cho rằng chính phủ có nghĩa vụ phải hỗ trợ họ." Ông Wang cho biết Bắc Kinh nên để các công ty này phá sản, thay vì giúp đỡ họ.
Tham khảo Financial Times