: TVO 24H: 2023-04-07 10:33:01

Lượt xem: 2227

Sử dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh sẽ chấm dứt “chạy trường”?

Áp dụng hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) trong tuyển sinh đầu cấp, học sinh sẽ được học tại trường gần nơi cư trú, tránh tình trạng phụ huynh muốn con học trường điểm mà thay đổi hồ sơ so với nơi ở thực tế.

Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của UBND TP.HCM ngày 4-4, năm học 2023-2024, TP sẽ thí điểm áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp tại TP Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình.

Sở GD&ĐT TP.HCM đã xây dựng bản đồ số dữ liệu giáo dục của TP.HCM ở địa chỉ: http//gis.hcm.edu.vn. Mỗi điểm trên bản đồ là một trường. Khi kích vào điểm trên, toàn bộ dữ liệu của trường học như cơ sở vật chất, đội ngũ, công tác kiểm định… sẽ xuất hiện.

Tránh nhiều người đăng ký tạm trú trong một hộ

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, cho biết khi triển khai bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp, UBND phường phải xác định được vị trí, địa bàn cư trú thực tế của học sinh (HS) so với khi đăng ký. Ngoài ra, họ phải tuyên truyền để phụ huynh nắm rõ, hiểu và ủng hộ cách thức mới.

Theo ông Huy, việc xác định địa bàn cư trú thực tế rất quan trọng. Bởi hiện nay, nhiều gia đình chỉ đăng ký cư trú trên giấy tờ nhưng lại sinh sống ở một địa chỉ khác.

Sử dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh sẽ chấm dứt “chạy trường”?

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức trong ngày tựu trường năm học 2022-2023. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Trên địa bàn quận có một hộ xác nhận tạm trú hơn 20 trường hợp. Điều này hết sức vô lý. Do đó, để triển khai tuyển sinh gần nơi cư trú được thuận lợi thì trách nhiệm của phường rất lớn. Phường phải xác định được số lượng cư trú thực tế, chứ không phải trên giấy tờ” - ông Huy bày tỏ.

Với thí điểm tuyển sinh theo bản đồ GIS dựa trên nơi cư trú thực tế, HS sẽ được tạo điều kiện học gần nhà. Đây là sự thay đổi lớn so với trước đây, có thể ban đầu còn chưa hoàn chỉnh, sẽ còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện. Tuy nhiên, đây là bước đột phá, sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm và bài học để công tác tuyển sinh sau này thực hiện tốt hơn.

 

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP,nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM

Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình cũng cho biết thêm mấy năm trước có thể HS trong một phường sẽ được phân về học cùng một trường. Tuy nhiên, năm nay do dựa theo bản đồ GIS, HS trong cùng một phường có thể sẽ được bố trí về nhiều trường.

Được chọn thí điểm tuyển sinh theo nơi cư trú sau bốn năm tuyển sinh trực tuyến ổn định và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, chia sẻ tuyển sinh theo hình thức mới tạo thuận lợi cho phụ huynh khi nhà gần trường nào sẽ được học ở đó, tránh tình trạng đi học xa.

Theo ông Dân, quận 8 có 16 phường nhưng có đến 21 trường, như vậy mỗi phường đều có một trường tiểu học, có phường có đến hai trường. Vì vậy, việc triển khai tuyển sinh theo bản đồ GIS cũng không có gì khó.

“Phòng GD&ĐT đang rà soát cũng như thu thập thông tin HS từ lớp lá vào lớp 1, lớp 5 vào lớp 6 để tránh tình trạng phụ huynh muốn con học trường điểm mà thay đổi hồ sơ so với nơi ở thực tế. Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với địa phương cũng như Ban chỉ đạo Đề án 06 để xác thực vấn đề này” - ông Dân nói.

Mặt khác, giáp ranh với quận 8 chủ yếu là sông nước, kênh rạch. Do đó, khi định vị theo bản đồ GIS sẽ có khoảng cách gần nhưng thực tế không có phương tiện để đi lại. “Vì thế, phòng đang đề xuất với đơn vị viết phần mềm định vị tính theo cự ly đường đi” - ông Dân nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, cho hay áp dụng bản đồ GIS, HS sẽ được bố trí chỗ học gần nhà.

“Hiện phường đang quản lý về mặt cư trú. Do đó, theo kế hoạch, TP vẫn phân tuyến theo địa bàn phường. HS ở phường nào thì học ở phường đó, khu phố nào có trường thì học ở khu phố đó. Trong trường hợp không có trường thì chuyển qua học ở khu phố kế bên” - ông Nguyên nói thêm.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Lãnh đạo các phòng GD&ĐT đều cho rằng đây là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh dựa trên bản đồ GIS, do đó công tác tuyên truyền rất quan trọng, làm sao để người dân hiểu và thực hiện đúng.

“Tuyển sinh theo bản đồ GIS sẽ có một số vấn đề không giống mọi năm. Do đó, nếu không tuyên truyền, giải thích kỹ, phụ huynh sẽ hoang mang. Vì vậy, ngoài Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thì chính quyền địa phương cũng cần phải phối hợp thông tin để phụ huynh hiểu” - ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, nói.

Trong khi đó, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho biết Phòng GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh, sẽ tham mưu trình UBND trong tuần này. Dự kiến tuần sau, quận sẽ công bố.

“Các trường mầm non, tiểu học, THCS sẽ có trách nhiệm trong việc tuyên truyền cho phụ huynh về cách thức tuyển sinh của năm nay. Bên cạnh đó, từng tổ dân phố, khu phố cho đến các phường trên địa bàn quận sẽ thông tin thêm để người dân nắm rõ. Mặt khác, phòng có đường dây nóng về tuyển sinh. Phụ huynh chưa hiểu cứ liên hệ, tôi sẽ trực tiếp lý giải” - ông Dân nhấn mạnh.

Từ ngày 11-5: Đăng ký trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6

Ông Võ Thiện Cang, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết việc tuyển sinh đầu cấp sẽ được thực hiện theo hình thức trực tuyến 100%.

Cha mẹ HS và HS truy cập vào hệ thống tuyển sinh đầu cấp bằng mã định danh và ngày tháng năm sinh để đăng ký với chính quyền địa phương cũng như các đơn vị giáo dục tại địa chỉ: https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 1-5 đến 1-6, trong đó chia làm hai giai đoạn: Từ ngày 1 đến 10-5, tìm hiểu và đăng ký thử nghiệm trên hệ thống; từ ngày 11 đến 31-5, phụ huynh chính thức kiểm tra, rà soát thông tin và đăng ký tuyển sinh.

Từ ngày 20-7 đến 1-8, phụ huynh truy cập vào trang tuyển sinh đầu cấp để xem danh sách trúng tuyển của các trường, xác nhận nhập học và nộp hồ sơ.

Các trường hợp không trúng tuyển và không đồng ý với kết quả tuyển sinh, cha mẹ HS có thể tiến hành đăng ký xét tuyển đợt 2 theo kế hoạch của từng quận, huyện và TP Thủ Đức. Sau ngày 1-8, các trường sẽ xét tuyển bổ sung tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương.

Nguồn Pháp luật

 

Bình luận