: TVO 24H: 2021-12-07 17:44:55

Lượt xem: 2337

'Tiến quân ca' bị cắt tiếng gây bức xúc

Sau việc "Tiến quân ca" ở AFF Cup bị cắt tiếng khi phát YouTube, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi cản trở phổ biến tác phẩm này.

Tối 6/12, khi phát sóng trận đấu Việt Nam gặp Lào ở AFF Cup trên YouTube, đơn vị giữ bản quyền là Next Media tắt tiếng phần hát Quốc ca của tuyển Việt Nam, đính kèm ghi chú: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Một đối tác của Youtube nhận định có thể Next Media muốn tránh rắc rối về vi phạm bản quyền bản ghi âm khi chưa xin phép chủ sở hữu, nên chủ động tắt âm thanh phần hát Quốc ca ở nền tảng online này. Sự cố gợi nhắc một trường hợp hồi tháng 11, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu Việt Nam - Saudi Arabia ở vòng loại World Cup) bị mất doanh thu vì ban tổ chức phát bản ghi Tiến quân ca, do hãng đĩa Marco Polo của Mỹ sản xuất. Sản phẩm do hãng bỏ tiền thu âm, đăng ký bản quyền trên YouTube, ai muốn sử dụng bản ghi phải xin phép.

Sự việc khiến nhiều người bức xúc, đặt câu hỏi về việc sở hữu, sử dụng tác phẩm mang giá trị thiêng liêng như Quốc ca Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả "Tiến quân ca".

Sáng 7/12, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết "cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca". Bộ yêu cầu thực hiện nghiêm quy định pháp luật: Nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng).

Sau thông báo của Bộ, trưa cùng ngày, kênh Next Sports (thuộc công ty Next Media) đăng thông tin trên fanpage: "Từ hôm nay (7/12), khán giả của Next Sports và người hâm mộ sẽ được hưởng thụ trọn vẹn phần nghi lễ bao gồm Quốc ca trước mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên mọi nền tảng phát sóng".

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc "Tiến quân ca" cho Quốc hội và nhân dân tháng 7/2016. Ảnh: Thanh Tùng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM - cho rằng việc các đơn vị sản xuất - phát hành đòi quyền lợi đối với bản thu Tiến quân ca trên YouTube là đúng luật. Theo điều 43 của Luật Sở hữu trí tuệ, lời và nhạc bài Tiến quân ca là của nhạc sĩ Văn Cao. Song mọi tổ chức, cá nhân sở hữu bản ghi âm, ghi hình nhạc phẩm này đều được phép kinh doanh (quyền liên quan) - miễn là tôn trọng quyền nhân thân và quyền tác giả, chẳng hạn phải giữ nguyên ca từ. Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi âm đều phải xin phép chủ sở hữu.

Luật sư Hậu cũng cho rằng cơ quan quản lý nên có một bản thu Quốc ca thống nhất để sử dụng miễn phí trên các nền tảng, tránh gây khó xử cho các đơn vị liên quan.

Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944, khi nhạc sĩ Văn Cao mới 21 tuổi. Ngày 22/12/1944, bài hát được sử dụng làm bài ca chính thức của 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ca khúc được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946. 75 năm qua, nhạc phẩm đã đồng hành dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn ở các sự kiện long trọng.

Tại cuộc họp ở Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam hồi tháng 11, ông Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - cho biết gia đình đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhân dân, Nhà nước Việt Nam từ năm 2016. Ông bức xúc khi một số đơn vị ghi âm cho rằng họ có quyền sở hữu bản thu do mình tự sản xuất.

Hà Thu - Tam Kỳ/vnexpress

Bình luận