: TVO 24H: 2023-03-01 16:28:58

Lượt xem: 2315

Tranh chấp quyền sử dụng tên Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

Tổ chức Miss Universe cho rằng Unicorp không được sử dụng tên "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" sau kết thúc hợp đồng, còn đại diện Unicorp phản đối.

Ngày 28/2, MUO (Miss Universe Organization - Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ) cho biết không gia hạn hợp đồng với công ty cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) sau khi đơn vị này thất bại trong đấu thầu bản quyền.

Giám đốc pháp lý của JKN - công ty chủ quản MUO - cho biết Unicorp không còn quyền sử dụng tài sản trí tuệ của MUO, gồm thương hiệu Miss Universe và cả tên gọi theo bản dịch tiếng Việt - Hoàn hậu Hoàn vũ Việt Nam.

Người này nhấn mạnh: "Chúng tôi mới là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Do đó, đơn vị sẽ thực hiện mọi hành động pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi".

Tranh chấp quyền sử dụng tên Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Unicorp - chụp ảnh cùng Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Ngọc Châu tại sự kiện năm 2022. Ảnh: Unimedia

Tối cùng ngày, ông Trần Việt Bảo Hoàng - đại diện Unicorp - phủ nhận các tuyên bố của JKN. Ông đồng thời phản đối đơn vị sở hữu bản quyền Miss Universe Vietnam hiện tại - Công ty cổ phần thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - sử dụng tên gọi "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam".

Ông Bảo Hoàng cho rằng việc ký kết giữa công ty cổ phần thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và JKN chỉ gồm: Quyền cử thí sinh Việt Nam đến Miss Universe và sở hữu thương hiệu Miss Universe Vietnam. "JKN không thể quy kết tất cả cách dịch nghĩa tiếng Việt đều thuộc trong phạm vi bảo hộ của mình", ông nói.

Phía Unicorp cho biết đơn vị họ tạo dựng thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thông qua các lần tổ chức cuộc thi trong nước 15 năm qua. Đơn vị từng cử các người đẹp đến Miss Universe gồm: Nguyễn Thùy Lâm (2008), Võ Hoàng Yến (2009), Vũ Hoàng My (2011), Diễm Hương (2012), Trương Thị May (2013), Phạm Hương (2015), Lệ Hằng (2016), H’Hen Niê (2018), Khánh Vân (2020), Kim Duyên (2021), Ngọc Châu (2022).

Ông Bảo Hoàng nói thêm: "Bất cứ cá nhân, tổ chức nào đang hoặc dự định sử dụng tên gọi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam là hành động thiếu chuyên nghiệp. Chúng tôi sẽ quyết liệt lên án, có hành động để bảo vệ thương hiệu của mình".

Tuy nhiên, hiện Unicorp chưa phản hồi việc đã đăng ký hay chưa với Cục Sở hữu Trí tuệ về thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

Việc tranh chấp bắt đầu sau khi đơn vị mới lên nắm bản quyền Miss Universe Vietnam. Ngày 18/2, sau khi thông báo dừng hợp tác với MUO, Unicorp tuyên bố vẫn tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vì cho rằng đang sở hữu thương hiệu này. Công ty này cũng gỡ bỏ dòng chữ "Miss Universe Vietnam" trên các trang mạng xã hội, chỉ để là "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam", nổi bật là trang Facebook có gần một triệu lượt theo dõi.

Tranh chấp quyền sử dụng tên Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

Từ trái qua gồm Hoa hậu R'Bonney Gabriel, chủ tịch Anne, người đẹp Quỳnh Nga, á hậu Andreína Martínez tại sự kiện công bố Công ty cổ phần thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nắm bản quyền Miss Universer Vietnam, sáng 24/2 ở TP HCM. Ảnh: Đăng Khoa

Ngày 24/2, công ty cổ phần thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được MUO công bố là đơn vị nắm bản quyền Miss Universe Vietnam, trong đó người đẹp Quỳnh Nga làm giám đốc quốc gia. Sự kiện có sự chứng kiến của nữ tỷ phú chuyển giới người Thái Lan Anne Jakkapong Jakrajutatip - chủ tịch mới của cuộc thi Miss Universe, đương kim hoa hậu R'Bonney Gabriel và á hậu Andreína Martínez. Sau đó, đơn vị mở tài khoản Facebook, đặt tên Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, hiện có gần 6.000 lượt theo dõi.

Công ty cổ phần thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đứng đầu là bà Nguyễn Thị Thúy Nga, người mẫu Lan Khuê làm CEO khu vực phía Nam. Nhiều năm qua, các đơn vị trực thuộc công ty từng mua thành công trên dưới 30 bản quyền cuộc thi hoa hậu, người mẫu, nắm quyền cử thí sinh đến Miss World, Miss Grand International. Đầu tháng 1, đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu quy mô quốc tế đầu tiên do người Việt làm chủ - Miss Charm 2023.

Miss Universe ra đời năm 1952, do công ty quần áo Pacific Mills ở California (Mỹ) sáng lập. Bản quyền cuộc thi từng thuộc về một số đơn vị trước khi được nhượng lại cho Donald Trump năm 1996. Sau khi chuyển sang nghiệp chính trị, ông Trump bán bản quyền cho IMG Models - công ty người mẫu có trụ sở ở New York (Mỹ). Với 72 năm lịch sử, Miss Universe là một trong hai sân chơi nhan sắc lâu đời và lớn nhất hành tinh, bên cạnh Miss World.

Cuối năm 2022, Anne Jakkapong Jakrajutatip xác nhận chi 20 triệu USD mua lại tổ chức Miss Universe, trở thành người chuyển giới đầu tiên làm chủ cuộc thi. Sau khi lên nắm quyền, bà tiến hành nhiều cải tổ, trong đó có việc đấu thầu để duy trì bản quyền cuộc thi, tạo nên tranh luận. Nhiều giám đốc quốc gia tại Indonesia, Belize, Malaysia, Ghana, tuyên bố rút lui với lý do phí bản quyền quá cao.

Nguồn Vnexpress

Bình luận