: TVO 24H: 2020-10-03 20:45:50

Lượt xem: 2482

Từ con số không, kỹ sư điện sở hữu doanh nghiệp có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Từ một kỹ sư điện, không có bất kỳ kinh nghiệm gì trong lĩnh vực kinh doanh thời trang, nhưng chỉ sau 6 năm anh Lê Văn Tính đã trở thành cái tên nhiều người biết đến khi sở hữu công ty có doanh thu hàng chục tỷ đồng trong lĩnh vực giày, túi xách và thời trang nữ.

Anh Lê Văn Tính năm nay 42 tuổi chia sẻ mình sinh ra và lớn lên tại Bình Định, vốn là một kỹ sư điện, đã từng đi làm công về chuyên môn và quản lý cấp phòng cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực BĐS và nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam như Bitexco, SSG, REE. Tuy nhiên, từ lâu trong anh luôn có mong muốn trở thành người chủ trong mảng kinh doanh. Và trước khi quyết định trở thành CEO của ROSATA - công ty kinh doanh về giày nữ thời trang năm 2014 đến nay, bản thân anh đã từng mở ra nhiều dự án kinh doanh có liên quan đến sở trường và ngành học của mình như mở cửa hàng kinh doanh vật tư thiết bị điện, công ty thi công cơ điện (M&E),… nhưng anh đánh giá kết quả đạt được đều không như kỳ vọng và chưa phải là thành công.

Anh Lê Văn Tính chia sẻ bản thân quyết định khởi nghiệp ngành thời trang khi đã bước sang tuổi 36

Sau nhiều lần loay hoay trong việc lựa chọn hướng đi riêng cho bản thân, anh đã dành nhiều thời gian để tìm tòi và nghiên cứu về những mô hình kinh doanh trên nền tảng online. Khi đi sâu nghiên cứu về mảng này, anh nhận thấy có nhiều cái mới và hay và đã dành thời gian để học hỏi và xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng này vào năm 2014 khi đã 36 tuổi.

Dù vậy, anh Tính cho biết khi đề cập đến việc thành lập công ty kinh doanh ngành hàng thời trang, cụ thể ở đây là mặt hàng giày dép, túi xách và quần Jean dành cho nữ giới ý tưởng của anh đã bị những người thân phản đối dữ dội. Những người đưa ra ý kiến phản đối cho rằng một kỹ sự điện với nhiều năm kinh nghiệm, có vị trí công việc và thu nhập tốt, đáng mơ ước của các bạn cùng trang lứa thì tại sao phải đi bán quần áo, giày dép nữ rất lẻ tẻ. Bán những mặt hàng này thì làm sao có thể kiếm đủ tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình, vợ con. Mặt khác, mô hình kinh doanh này chỉ phù hợp với giới trẻ (9X và sinh năm 2000), chứ không mấy phù hợp với những người thuộc thế hệ 7X như anh.

Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều bạn bè và người thân trong gia đình, nhưng với bản tính luôn quyết tâm làm đến cùng nên không có sự cản trở nào làm anh thay đổi quyết định. Để khởi sự kinh doanh với những mặt hàng hoàn toàn mới mẻ, không có một chút gì liên quan đến sở trường hay kinh nghiệm đã làm trong những năm qua nên anh đã phải dành nhiều thời gian để học hỏi. Bên cạnh đó, anh cũng xác định tập khách hàng của mình có thu nhập từ mức khá trở lên theo triết lý cạnh tranh giá trị chứ không phải cạnh tranh giá. Do đó, các các sản phẩm giày nữ có giá từ 380.000đ đến 500.000đ, túi xách từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng, quần jean có giá từ 500.000đ đến 600.000đ để khách hàng lựa chọn.

CEO 42 tuổi cho rằng dù có kinh doanh những sản phẩm có giá trị nhỏ lẻ, nhưng không có nghĩa rằng doanh thu là nhỏ

Người đàn ông 42 tuổi cho biết, những ngày đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang, bản thân anh phải làm rất nhiều công việc từ marketing, nghiên cứu chạy quảng cáo, chốt sale, đóng gói hàng, đi giao hàng, quản lý tài chính,… Thời gian đầu cũng chỉ 5-10 đơn hàng/ngày, nhưng càng về sau nhờ những kiến thức học hỏi thêm và từ kinh nghiệm thực tế hàng ngày, chạy thêm quảng cáo ở nhiều kênh khác nhau nên đơn hàng bùng nổ lên hàng trăm đơn/ngày. Anh chia sẻ, chính điều này đã giúp mình có thêm sự tin tưởng vào mô hình kinh doanh mới này. Do đó, càng về sau anh càng đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo, mở thêm nhiều cửa hàng trưng bày và đội ngũ nhân sự công ty cũng được nâng lên hàng trăm người và kết quả kinh doanh cũng tăng ấn tượng khi doanh thu cán mốc hàng chục tỷ đồng/năm. Anh cũng có thêm niềm tin rằng dù có kinh doanh những sản phẩm có giá trị nhỏ lẻ, nhưng biết cách làm thì không có nghĩa rằng doanh thu là nhỏ.

Anh Tính cũng cho biết từ việc thay đổi các dự án kinh doanh của bản thân, anh đã nhận ra rằng khi mình bán các sản phẩm khách hàng thích thì khả năng khách hàng đến với mình cũng tăng lên. Số lượng đơn hàng cũng tăng lên nhanh chóng so với trước đó đã bán những thứ mình có hoặc những thứ thuộc về chuyên môn của mình.

Sau 6 năm khởi nghiệp từ chàng kỹ sư điện không có chút kinh nghiệm gì về kinh doanh mặt hàng thời trang và kinh doanh online, anh Tính đã trở thành lãnh đạo của một công ty lớn với hệ thống phân phối sản phẩm trên khắp cả nước chuyên về mặt hàng sản phẩm giày nữ thời trang. Anh cũng cho biết ở lĩnh vực kinh doanh mới đã từng bước cho mình những sự rèn luyện và thay đổi từ người làm công việc thiên về kỹ thuật có tư duy logic, lúc nào cũng tính toán mọi thứ rất an toàn mới làm, thì chuyển sang người có tư duy đột phá, khi có cơ hội thì nắm bắt ngay và làm quyết liệt chứ không cần phải tính toán quá kỹ như trước đây. Với tư duy đột phá, anh cũng nhận thấy rằng kết quả kinh doanh đạt được là tốt hơn hẳn so với trước đó.

Sau 6 năm khởi nghiệp từ chàng kỹ sư điện, anh Tính đã trở thành lãnh đạo của một công ty lớn trong ngành giày và thời trang nữ

Anh cũng chia sẻ thêm, sau quá trình làm kinh doanh mặt hàng thời trang thời gian qua đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn làm kinh doanh, thích kinh doanh thì nhận thấy rằng hiện nay nhiều bạn trẻ khởi nghiệp vẫn còn mang nặng lối tư duy của một con buôn. Tức những người này chỉ thực hiện mua bán sản phẩm/dịch vụ gì đó thì chỉ tiếp tục làm khi có lợi nhuận (theo đúng nghĩa đen là kiếm được tiền) hoặc mong muốn kiếm lợi nhuận nhanh, còn nếu thấy không có lợi nhuận hoặc chưa có lợi nhuận hoặc bị lỗ thì sẽ dừng ngay việc kinh doanh hiện tại và loay hoay tìm sản phẩm/dịch vụ khác để kiếm tiền, và hầu như cứ loay hoay mãi mà cũng không thấy tiền đâu.

Trong khi đó, với những người đã xác định làm kinh doanh, có tư duy kinh doanh của một doanh nhân thì luôn xác định được mục tiêu, kế hoạch, chiến lược (ngắn hạn và dài hạn), dành thời gian để phân tích nhu cầu của thị trường,... và sự quyết tâm theo đuổi sự thành công của dự án, đồng thời phải biết vượt qua các thách thức trong con đường kinh doanh, chứ không nên: thấy người khác làm ổn thì cũng nhảy vào làm, hay thấy thích thì nhảy vào làm hoặc nghĩ rằng kiếm được tiền nên nhảy vào làm,… chính vì những lý do này nên sẽ có kết quả thật phũ phàng là hơn 90% sẽ thất bại trong kinh doanh, và đôi khi cũng không hiểu tại sao mình thất bại.

Nguồn: Trung Kiên (Dân Việt)

Bình luận