: TVO 24H: 2022-06-16 08:09:45

Lượt xem: 2338

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2022: Bị động, căng thẳng đến phút cuối

Quy chế và công tác tuyển sinh năm 2022 (Quy chế) do Bộ GD&ĐT vừa ban hành có nhiều nội dung thay đổi khiến các trường bị động trong việc công bố thí sinh trúng tuyển bằng học bạ, tuyển thẳng sớm như mọi năm. Vì vậy, việc tuyển sinh của các trường đại học hiện khá yên ắng.

Bộ GD&ĐT quy định thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến, đồng thời, tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học sẽ được xét thực hiện chung 1 lần vào đầu tháng 9. Việc làm này nhằm lọc ảo chung cho tất cả các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức.

Bị động

Thí sinh lớp 12 tại TPHCM trong ngày tổng kết trường

Thí sinh Nguyễn Mai Phương (quận 12, TPHCM) bày tỏ lo lắng khi đã nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào một số trường nhưng đến nay vẫn phải chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Nếu như năm trước, thời điểm này em có thể dùng hồ sơ học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực để nộp hồ sơ xét tuyển. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, em có thể chọn ngay phương thức nhập học trúng tuyển mình mong muốn. Còn năm nay, tất cả các phương thức xét 1 lần vào tháng 9 và chỉ trúng tuyển 1 lần nên em khá mệt mỏi vì phải chờ đợi và quan trọng nhất là khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường và chọn phương thức xét tuyển”, Phương nói.

ThS.Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, những thay đổi của Quy chế tuyển sinh 2022 tạo thuận lợi nhất cho thí sinh và đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh cho các trường. Tuy nhiên, do quy chế quy định cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung, nên ít nhiều các trường bị động trong công tác tuyển sinh. Thí sinh năm nay (ngoài phương thức xét tuyển thẳng) đều phải chờ dữ liệu từ Bộ GD&ĐT nên các trường không thể tính toán sát được tỷ lệ ảo giữa việc xác nhận trúng tuyển và tỷ lệ nhập học, đòi hỏi các trường phải dự liệu nhiều kịch bản ứng phó.

TS Nguyễn Trung Nhân-Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng, Quy chế tuyển sinh năm nay có thuận lợi là giúp thí sinh đăng ký trực tuyến, giảm bớt việc dùng giấy và các thủ tục hành chính phức tạp. Tuy nhiên, khó khăn là thí sinh phải đăng ký tất cả nguyện vọng của các phương thức xét tuyển trên cổng dữ liệu chung và thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.

ThS.Trần Nam - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) cũng nhìn nhận, lọc ảo đóng vai trò quan trọng với các trường. “Thí sinh có học lực giỏi có thể chỉ xét 1-2 nguyện vọng vào trường mình yêu thích. Nhưng với thí sinh có học lực khá thì số nguyện vọng và phương thức xét tuyển sẽ đa dạng hơn. Việc khai lại đôi lúc khiến thí sinh bị rối, đặt sai nguyện vọng yêu thích. Vì vậy, nếu phần mềm ổn thì công tác xét tuyển các trường sẽ rất tốt, trường hợp ngược lại sẽ gây khó cho các trường”, ông Nam nhận định.

Căng thẳng đến phút chót

Theo thống kê trên hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 13/6 có 1.002.458 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp (năm 2021 là 1.021.340); 880.085 thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp và tuyển sinh (chiếm 87,79%). 933.537 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm 93,12%) và 68.921 thí sinh đăng ký trực tiếp, chỉ chiếm 6,88%. Do đó, việc lọc và xét trúng tuyển tất cả nguyện vọng vào các trường bằng phần mềm chung được đánh giá là phù hợp, tuy nhiên sẽ căng thẳng vào phút chót.

TS.Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận định, việc xét tuyển muộn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường. Tất cả phương án xét tuyển và công bố điểm trúng tuyển cùng một đợt khiến các trường khó khăn trong việc chủ động và tính toán việc nhập học ở các phương thức khác, ngoài phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

“Thí sinh thi tốt nghiệp từ ngày 7 đến 9/7, nhưng khoảng 10 ngày sau mới có điểm thi. Sau đó, thêm 6 tuần thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, rồi lọc ảo cũng đến tầm tháng 9 mới công bố điểm. Như thế, công tác tuyển sinh sẽ rất căng thẳng. Đó là chưa nói các trường tuyển không đủ chỉ tiêu phải chuẩn bị sẵn phương án cho xét tuyển các đợt bổ sung”, bà Cầm nói. Theo bà, trường sẽ rất khó khăn, nhất là việc quyết định số lượng trúng tuyển cho tất cả phương thức cùng một thời điểm trong khi tỷ lệ nhập học rất khó dự đoán theo quy định mới của quy chế.

Theo bà Cầm, để tránh việc phải đối mặt tình trạng số nhập học không sát với chỉ tiêu trúng tuyển, ở phương thức xét ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT (xét học bạ), trường thực hiện một bước xét sơ tuyển để xác định những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, thông báo cho thí sinh, giúp thí sinh giảm căng thẳng trong lúc chờ đợi.

Trong khi đó, để ứng phó tình huống lọc ảo phút chót, ThS.Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, khi nhà trường xét thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển thì sẽ công bố danh sách dự kiến lên cổng thông tin của trường. “Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường hướng dẫn thí sinh ghi lại nguyện vọng lên cổng xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT để lọc nguyện vọng trúng tuyển”, ông Vũ nói.

Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)

Bình luận