: TVO 24H: 2023-05-29 10:19:44

Lượt xem: 2136

Vì sao thiếu điện mà EVN chưa mua điện gió?

Để các dự án năng lượng tái tạo được sớm phát lên lưới, trách nhiệm không chỉ nằm ở EVN mà còn của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh và nhất là các chủ đầu tư.

Được mở đường, nhà đầu tư vẫn lừng khừng

Đến nay có 85 dự án điện tái tạo (gồm 8 dự án điện mặt trời và 77 dự án điện gió), với tổng công suất hơn 4.700MW đã và đang đầu tư, xây dựng và lỡ hẹn giá ưu đãi vì giá FiT cho điện gió kết thúc vào tháng 31/10/2021 và điện mặt trời kết thúc vào tháng 12/2020.

Vì sao thiếu điện mà EVN chưa mua điện gió?

Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời lỡ hẹn giá FiT. Ảnh: Thạch Thảo

Mãi đến ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Công Thương mới ban hành quyết định về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Sự chậm trễ này rõ ràng có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Nhưng từ đó đến giữa tháng 5/2023, rất ít chủ đầu tư gửi hồ sơ đàm phán đến Công ty mua bán điện thuộc EVN (EPTC) vì nhà đầu tư “chê” mức giá đó là quá thấp.

Vì sao thiếu điện mà EVN chưa mua điện gió?

Căn cứ mức giá trần này, mỗi kWh điện mặt trời mặt đất có giá tạm tính là 592,45 đồng; điện mặt trời nổi là 754,13 đồng; điện gió trong đất liền là 793,56 đồng; điện gió trên biển là 907,97 đồng.

Tình hình dường như đã thay đổi khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ra kết luận tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023. Cụ thể, đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản trước ngày 20/5/2023 chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.

Giá tạm tính chính là một giải pháp đột phá của Chính phủ trong việc gỡ khó cho các dự án điện tái tạo chưa có giá. Chính sách này sẽ giúp các nhà máy được phát điện lên lưới thay vì để hàng chục nghìn tỷ đồng nằm phơi mưa nắng, những cánh điện gió bất động.

Một nhà đầu tư tâm sự: “Chúng tôi đang rất khát tiền. Chúng tôi đầu tư 300 triệu USD vào các dự án mà đến giờ chưa có doanh thu. Các nhà đầu tư chúng tôi luôn mong muốn vận hành được dự án nhanh nhất để có dòng tiền”.

Nhà đầu tư sốt ruột, EVN chịu nhiều sức ép, Bộ Công Thương cũng vậy.

Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) cho biết, đến cuối ngày 26/5/2023 công ty đã hoàn thành đàm phán ký biên bản và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 40/40 chủ đầu tư với giá đề xuất tạm thời là 50% khung giá trần. Đến thời điểm 26/5, có 19 dự án hoặc một phần dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký PPA. Song mới có 5 dự án với công suất 303 MW đã hoàn thành thử nghiệm, đang thực hiện các thủ tục COD để phát điện thương mại.

Đáng chú ý, vẫn còn 32/85 dự án với tổng công suất 1.576,05MW chưa gửi hồ sơ cho EVNEPTC để đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Có thể, những nhà đầu tư này đang chờ đợi động thái Bộ Công Thương sửa đổi giá trần và các thủ tục khác.

Dù sao, việc có 40 chủ đầu tư gửi hồ sơ đề xuất giá tạm 50% khung giá trần cho thấy, giải pháp của Chính phủ sẽ giúp các nhà đầu tư trút bỏ một phần gánh nặng tài chính khi được phát điện, tránh lãng phí nguồn điện này trong lúc đang thiếu điện.

Vì sao thiếu điện mà EVN chưa mua điện gió?

Các dự án này vẫn đang chờ đàm phán giá. Ảnh: Thạch Thảo

Nhưng không dễ để được phát điện

Dù gửi hồ sơ giá tạm tính và được Bộ phê duyệt, nhưng để phát điện được lên lưới, các dự án vẫn phải đảm bảo đủ một số thủ tục.

Với những dự án gửi hồ sơ giá tạm tính, thủ tục đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần có giấy phép hoạt động điện lực và giấy nghiệm thu công trình/một phần công trình, có Biên bản xác nhận việc thử nghiệm AGC, thử nghiệm phát nhận công suất phản kháng, Biên bản thử nghiệm tin cậy giữa Đơn vị phát điện và các nhà thầu là có thể được phát điện lên lưới.

Nhưng đến 26/5, mới 26 dự án có giấy phép điện lực. Có 18 dự án có giấy xác nhận nghiệm thu công trình.

Điều đáng lưu ý, nhiều dự án điện gió vẫn đang vướng về hồ sơ pháp lý. Trong khi đó, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ chỉ huy động điện của các dự án đã “hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định”.

Vì thế, ít ngày trước EVN đã mời hơn 40 nhà đầu tư này đến để hỏi xem “có vướng mắc gì không”. Cuộc họp với nhiều ý kiến rất khác nhau liên quan đến điều kiện để được phát điện lên lưới bởi dự án nào cũng thuộc diện thiếu hồ sơ pháp lý. Việc chỉ có 5 dự án thỏa mãn các hồ sơ và đủ điều kiện phát điện lên lưới chứng minh cho điều đó.

Thực tế, nếu thiếu những giấy tờ này, rất khó để EVN dám tiếp nhận dòng điện này lên lưới bởi lẽ, bất cứ dự án nào hòa lưới cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu bỏ qua hồ sơ giấy tờ nào đó mà lại có sự cố xảy ra?

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn nguyên giá trị. Tại kết luận này, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương và EVN phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân khi có nhiều dự án thi công, vận hành trước khi được bàn giao đất; hàng chục dự án đã thực hiện vận hành, nối lưới nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án; chưa có chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền, chưa hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại…

EVN và Bộ Công Thương đã giải thích rằng việc cho nợ các thủ tục đó là để tạo điều kiện cho nhà đầu tư kịp vận hành thương mại, hưởng giá FiT. Nhưng cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại có suy nghĩ khác.

Vì thế, sau khi các dự án có giá tạm tính, được phát lên lưới, nhà đầu tư cũng sẽ phải hoàn thiện hàng loạt thủ tục khác để tránh rủi ro cho cả ba bên là nhà đầu tư, EVN và Bộ ngành/địa phương.

Thông tư 15/2022 của Bộ Công Thương cũng yêu cầu các dự án điện tái tạo phát lên lưới phải có quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, giấy phép xây dựng còn hiệu lực và phù hợp; quyết định giao đất/cho thuê đất của UBND tỉnh, thành phố hợp lệ…

Như vậy, để các dự án lỡ hẹn giá FiT này được sớm phát lên lưới, trách nhiệm không chỉ nằm ở EVN mà còn của cả chủ đầu tư, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh thành phố.

Để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm phát điện, cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn bằng văn bản rõ ràng hơn. Những điều kiện nào tại Thông tư 15 gây khó khăn cho nhà đầu tư thì cần được bãi bỏ. Mức giá trần có được điều chỉnh hay không, cách tính giá trần cũng cần được làm rõ.

Đây là những việc cần làm để bên mua điện như EVN cũng tránh được cảnh “vừa đàm phán vừa run”, vừa cho phát điện lên lưới vừa sợ rủi ro pháp lý. Còn nhà đầu tư cũng không lâm cảnh sau khi được hưởng giá tạm thì lại không đủ điều kiện để được đàm phán, thanh toán giá chính thức.

Nguồn Vnexpress

Bình luận