: TVO 24H: 2023-06-07 11:00:04

Lượt xem: 2215

Vướng luật, đốt rác phát điện TP.HCM 3 năm vẫn 'nằm trên giấy'

Các nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM khởi công năm 2019, dự kiến đến 2020 sẽ xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày. Thế nhưng quá hạn hơn 3 năm, các nhà máy này vẫn "nằm trên giấy".

Vướng luật, đốt rác phát điện TP.HCM 3 năm vẫn 'nằm trên giấy'

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Vietstar tại Khu xử lý rác thải tây bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Nguyên do sự chậm trễ này vì vướng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 và Luật bảo vệ môi trường 2020.

Khối lượng rác tăng lên từng năm, việc chôn lấp đã lỗi thời và gây ô nhiễm. TP.HCM rất cần đẩy nhanh và đưa vào hoạt động các nhà máy đốt rác phát điện đã được quy hoạch.

“Một đô thị như TP.HCM cần chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng chôn rác đã lỗi thời gây hệ lụy môi trường. Tuy nhiên, TP phải tính toán đầu tư cho hiệu quả, tránh các trường hợp đầu tư nhưng sau đó lỗi thời.” Tiến sĩ Đinh Thế Hiển

Khởi công 4 năm vẫn trống không

Lần lượt làm lễ khởi công vào cuối năm 2019, đến nay nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar và nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi) vẫn chưa ra "hình hài".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Như Hùng Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, cho biết hiện công ty đã hoàn thiện lắp đặt và vận hành ba dây chuyền phân loại rác, làm đường rộng 27m dẫn vào nhà máy đốt rác phát điện, san lấp mặt bằng 45.000m2, ký hợp đồng và trả tiền đặt cọc cho các thiết bị chính yếu nhập từ nước ngoài... Tuy nhiên, ông Việt cho biết chưa thể xây dựng vì còn vướng luật.

Tương tự, nhà máy của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa cũng "đứng hình" sau khi đã khởi công thời gian dài.

Vậy tại sao các nhà máy này khởi công nhưng chưa thể xây dựng?

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong thời gian qua, hai công ty trên gặp khó khăn không thể xây dựng nhà máy vì các dự án đốt rác phát điện này chưa được đưa vào Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.

Nguyên nhân do Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chưa được phê duyệt nên không thể triển khai thủ tục xin giấy phép xây dựng tại Bộ Xây dựng.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND TP.HCM về việc xin ý kiến Bộ Xây dựng có cơ chế về việc thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ (trong khi chờ Quy hoạch điện VIII được phê duyệt) do đây là các dự án có mục tiêu xử lý rác áp dụng công nghệ mới, hiện đại, không phải dự án có mục tiêu sản xuất điện năng. Trường hợp cần thiết, có thể xem xét cấp giấy phép xây dựng tạm trong khi chờ bổ sung đầy đủ hồ sơ liên quan.

Ngày 15-5 vừa qua, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện.

TP cũng đã hỗ trợ chấp thuận cho hai công ty được thực hiện các hạng mục xây dựng tạm (lán trại công nhân, nhà điều hành phục vụ dự án, nhà kho tập kết vật liệu, hàng rào bảo vệ, ép cọc để chuẩn bị mặt bằng...).

Trong thời gian này, hai công ty sẽ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm chuẩn bị sẵn sàng, rút ngắn thời gian thi công, thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ khi được phê duyệt.

Không thể nhận nhiều rác dù thừa công suất

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện nay TP phát sinh khối lượng rác khoảng 9.800 - 10.000 tấn/ngày.

Ba cơ sở xử lý chủ lực là nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar (công suất 1.800 tấn/ngày), Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa (công suất 1.000 - 1.400 tấn/ngày) và bãi chôn lấp Đa Phước (khối lượng còn lại khoảng 6.000 - 6.800 tấn/ngày).

Theo Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, dự báo đến năm 2025 lượng rác sinh hoạt sẽ tăng đến 13.000 tấn/ngày. Và khối lượng này có thể lên đến 16.600 tấn/ngày vào năm 2030.

Ông Nguyễn Toàn Thắng nhận định với khối lượng rác thải phát sinh rất lớn như trên và hiện trạng công nghệ xử lý cũ (chôn lấp) đã không phù hợp, việc đầu tư thêm nhà máy đốt rác phát điện là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi công nghệ, nâng công suất xử lý rác thải sinh hoạt của các nhà máy hiện hữu đang còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vướng mắc về quy định đấu thầu giao rác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Cụ thể luật này quy định phải thông qua đấu thầu để chọn cơ sở xử lý rác, hoặc trường hợp không thể đấu thầu thì mới đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị dù được TP khuyến khích chuyển đổi công nghệ xử lý rác cũ sang đốt rác phát điện sẽ "không có rác" để xử lý.

Ví dụ như nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar công suất giai đoạn 1 là 2.000 tấn/ngày nhưng hiện nay hợp đồng giao rác của TP với công ty này chỉ 1.200 tấn/ngày.

Tương tự nhà máy của Công ty cổ phần đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa công suất 2.000 tấn/ngày nhưng hợp đồng chỉ có 1.000 tấn/ngày. Chính vì vậy, các công ty cũng không "mặn mà" để nâng thêm công suất xử lý rác theo hình thức đốt rác phát điện vì không có rác mà xử lý.

Nguồn tuổi trẻ

Bình luận